Tin tổng hợp khác
“Tuyên chiến” với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Những năm gần đây, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản thường xuyên được Bộ NN&PTNT xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Tuy nhiên thực tế dường như hô hào, “lên dây cót” tinh thần khá nhiều, song kết quả đạt được lại chưa như mong đợi.
 


Ngành nông nghiệp xác định sẽ vào cuộc quyết liệt để thực sự cung cấp thịt sạch, rau sạch cho người dân, 
nhất là trong dịp tết Nguyên đán sắp tới. (Ảnh: Nguyễn Thanh)

Khó khăn chồng chéo

 

Theo Bộ NN&PTNT: Trong 9 tháng đầu năm, các đơn vị trực thuộc Bộ đã tổ chức 22 đoàn thanh tra chuyên ngành, và 33 đoàn thanh tra đột xuất. Qua kiểm tra xử lý đã ban hành gần 1.200 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng.

Hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất vật tư nông nghiệp ngoài danh mục, không đảm bảo chất lượng… Đáng lưu ý là qua kiểm tra, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phát hiện 5 công ty sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục cho phép, tiêu hủy tại chỗ hơn 13kg hóa chất Vàng Ô (Vat Yellow), tịch thu 20kg bột màu trắng nghi là chất cấm Sabutamol….

 

 Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá: Suốt thời gian qua, nhiều cuộc họp đã được tổ chức, nhiều văn bản được ban hành liên quan tới việc quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản nhưng quá trình triển khai lại khá ì ạch, chuyển biến chậm.

Điển hình như việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã dẹp cách đây 10 năm, song gần đây lại bùng phát mạnh mẽ hơn, chứng tỏ trước đây mới giải quyết phần ngọn của vấn đề. “Nhân dân hiện nay khá bức xúc nên trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước càng lớn, làm sao để công tác này được triển khai một cách hiệu quả, thiết thực.

Nhân dân cần những thứ cụ thể như miếng thịt, mớ rau an toàn… chứ không phải cứ hết Thông tư này, văn bản nọ được ban hành”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT: Trên thực tế tình trạng như sử dụng chất Salbutamol hay Vàng Ô, chất tạo nạc trong chăn nuôi… là những hành động phạm pháp, gian lận thương mại.

Cần phải đấu tranh với hành vi sản xuất, lưu thông, buôn bán, sử dụng những chất cấm này như đấu tranh với chất ma túy. Thời gian qua, Bộ NN&PTNT cũng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong vấn đề này nhưng phải thừa nhận những chuyển biến còn rất chậm, đặc biệt là trong 9 tháng đầu năm nay.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh  Long An cho rằng: Công tác quản lý chất lượng, ATTP nói chung, đặc biệt là xử lý tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nói riêng hiện gặp khá nhiều khó khăn. “Khi test nước tiểu tại cơ sở giết mổ, gửi mẫu đi phân tích và kết quả xác nhận sản phẩm chăn nuôi có chứa chất cấm, khó khăn lớn của cơ quan chức năng là không truy xuất nổi nguồn gốc để xử lý. Tại cơ sở giết mổ heo có sổ ghi chép, thương lái mua heo của hộ dân nào bao nhiêu con, tuy nhiên khi cơ quan chức năng đi kiểm tra tại hộ dân lại xuất hiện sự bất đồng. Ví dụ, có trường hợp thương lái khai mua 50 con nhưng hộ dân lại khẳng định chỉ bán đi 6 con. Mẫu nước tiểu heo chăn nuôi tại hộ dân khi test thì không chứa chất cấm”, bà Phương Khanh nói. Bà Khanh kiến nghị, để giải quyết khó khăn này, khi cấp Giấy kiểm dịch cho heo xuất chuồng, cơ quan Thú y cần ghi đầy đủ cả các thông tin đi kèm như thương lái mua heo của chủ hộ nào, bao nhiêu con…

Cần xử lý hình sự hành vi sử dụng chất cấm 

 

Từ tháng 10-2015 đến tháng 2-2016, Bộ NN&PTNT phát động đợt cao điểm hành động VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, phạm vi thực hiện kế hoạch trên toàn quốc, đối tượng gồm thịt lợn, thịt gà; rau, quả; tôm, cá nuôi.

Nội dung trọng tâm hướng đến phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh tuân thủ quy định về đảm bảo ATTP; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP), lấy mẫu giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn trước khi đến tay người tiêu dùng; kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm các vi phạm…

 

Xung quanh câu chuyện quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản nói chung và vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nói riêng, ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng, theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 1999, tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm sẽ tùy mức độ mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị phạt tù. Do đó, nếu phát hiện đơn vị hoặc cá nhân nào bán chất cấm cho người chăn nuôi thì có thể xử phạt theo quy định tại Điều 155. 

Liên quan tới vấn đề này, ông Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) phân tích: Điều 155 Bộ luật Hình sự chỉ quy định tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm nhưng không hề có nội dung sử dụng hàng cấm.

Do đó, xử lý trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ khó khăn. Bên cạnh đó, để có thể xử lý nặng theo đúng tội danh còn rất nhiều các điều kiện bắt buộc đi kèm như hàng phạm pháp phải có số lượng lớn hoặc thu lợi bất chính rất lớn.

Trong khi đó, một số chất cấm trong chăn nuôi như Salbutamol đến nay chưa có bất kỳ văn bản hướng dẫn nào chỉ ra bao nhiêu thì được tính là số lượng lớn. Vì vậy, dù có quy định tội danh trong Bộ luật Hình sự thì trên thực tế triển khai vẫn gặp nhiều vướng mắc.

“Chúng tôi đề nghị quy định phải nêu cụ thể, rõ ràng hơn là chỉ cần đưa một hàm lượng chất cấm nhất định vào thực phẩm là đã cấu thành tội phạm rồi. Ví dụ, chất nào mà Bộ Y tế hay Bộ NN&PTNT đã cấm không được sử dụng trong nuôi trồng, chế biến thực phẩm mà đơn vị/cá nhân vẫn sử dụng thì coi như cấu thành tội phạm và có thể xử lý hình sự” ông Bình nhấn mạnh.

Để quản lý tốt hơn chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản, Bộ NN&PNTT đã phát động Đợt cao điểm hành động vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp từ tháng 10-2015 đến tháng 2-2016. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, khi triển khai đợt cao điểm này, các địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động rõ ràng, cụ thể nhưng phải chọn trọng tâm để làm cho hiệu quả, thật sự tạo ra sự chuyển biến. Trong công tác tuyên truyền, từng địa phương khác nhau thì cần sử dụng thông điệp khác nhau, nhằm rõ vào từng đối tượng. Bộ trưởng Phát chỉ đạo, từ giờ tới tết Nguyên đán, các địa phương phải tập trung kiểm soát mạnh mẽ chất lượng rau, thịt. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám:

Phải chỉ cho người dân địa điểm mua thực phẩm sạch

Để làm tốt hơn công tác quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản, nhất là xử lý tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ngoài việc tuyên truyền cho người dân hiểu, các cơ quan ban, ngành cần phải vào cuộc để truy xuất nguồn gốc, tập trung đánh vào các đường dây buôn bán chất cấm; cần có đường dây nóng, treo thưởng cho người tố giác, phát hiện ra các cơ sở sử dụng chất cấm…

Đặc biệt, các Sở NN&PTNT mà trước hết là Sở NN&PTNT Hà Nội và Sở NN&PTNT TP. HCM phải làm sao để từ giờ đến tết Nguyên đán chỉ ra được cho người tiêu dùng vài địa điểm để có thể mua được thực phẩm an toàn, có tem chứng nhận. Trên thực tế, đại diện các Sở NN&PTNT thường xuyên khẳng định đã chỉ đạo địa phương xây dựng được cơ sở sản xuất rau theo quy định VietGap, cơ sở sản xuất gà sạch, lợn sạch… nhưng đến khi hỏi những thực phẩm đó bán ở đâu, làm sao để người dân biết và phân biệt được thì lại không chỉ ra được địa chỉ cụ thể.

Các Sở NN&PNTT có thể bắt đầu xây dựng một vài điểm bán thực phẩm có trưng biển an toàn, trên biển có in logo chứng nhận của Sở NN&PTNT để người dân biết; không nên trưng biển bán thực phẩm sạch bởi trên thị trường hiện nay tràn lan các cửa hàng bán thực phẩm sạch, mà các cửa hàng này chưa được kiểm chứng về chất lượng.

 

Theo Hải Quan Onile - Thanh Nguyễn

 
Các bài liên quan
Tỉnh Hải Dương sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc mở rộng giao lưu hợp tác thương mại và đầu tư với các tỉnh trong vùng và khu vực. (09/11/2015)
 
Quay lạiXem tiếp   
 
Truyền thông
 
Hát về Cẩm Giàng
BỘ PHẬN MỘT CỬA
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 
 
LƯỢT TRUY CẬP
 
 
 Hôm nay10 
 Hôm qua1
 Tuần này39 
 Tất cả56051 
IP: 3.233.221.90